Vị doanh nhân nào từng từ chối chức Bộ trưởng? Cùng trả lời câu hỏi trên tại bài viết này: Click Tại đây!!!
Ít ai biết, chính doanh nhân họ Nguyễn kể lại, ông từng được đề nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế sau Cách mạng tháng 8 nhưng khiêm nhường xin được từ chối bởi “tự xét thấy mình học ít, tài sơ, nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình”…
Không chỉ theo đuổi nghiệp doanh thương làm giàu cho bản thân, góp phần khơi dậy ý thức tự cường dân tộc, mà khi Tổ quốc cần, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà cùng gia đình cống hiến hết mình cho cách mạng, những mong quốc gia, dân tộc đi đến cảnh độc lập, tự do, nhân dân cởi được ách nô lệ.
Với bọn thực dân thống trị hống hách, thâm độc, coi khinh dân Việt là “Annamite” thấp kém, vị doanh nhân họ Nguyễn chẳng sợ cường quyền, thế lực của Pháp, ông sẵn sàng đương đầu với chúng, hòng nâng cao thể diện cho dân Nam.
Ý thức cho sức mạnh Việt của Nguyễn Sơn Hà kể ra cao lắm, nhất là giữa lúc bao nhiêu quyền lực trên đất Việt nằm hết nơi người Tây. Thế nên, trong lời kể “Cụ có tinh thần dân tộc như vậy đó” của Họa sĩ Nguyễn Quang Thọ, ta càng thấy hả lòng, hả dạ trước sự khu xử của vị doanh nhân họ Nguyễn.
Số là, trong một lần đi đường, có xe viên Công sứ Pháp ở phía sau xin vượt, nhưng đường hẹp nên cụ không cho. Đến lúc vượt được, hắn ỷ thế quan to, lại là người Pháp, nên dừng lại gây sự và chửi ông.
Nguyễn Sơn Hà giận lắm, “tặng” luôn cho tên này một nắm đấm, rồi sau đó điện cho Toàn quyền Pháp về vụ việc. Vốn biết danh tiếng của ông, quan chức Pháp không thể làm gì hơn ngoài việc cho qua vụ việc ấy, dẫu chúng cũng thấy bẽ mặt cho cái uy quyền của mình lắm lắm.
Khởi nghiệp kinh doanh, chịu sự cạnh tranh khốc liệt, thiếu sòng phẳng của kẻ thù, nhưng chưa bao giờ Nguyễn Sơn Hà thối chí, nản lòng. Đáng quý hơn nữa, ông cũng chẳng bao giờ dựa vào Pháp, thân Pháp hay sợ Pháp, mà càng thêm nỗ lực hơn, đến nỗi làm cho chúng từ việc khinh rẻ sản phẩm của “dân An Nam”, sau này phải quay sang mua sơn ông làm, xin nhận làm đại lý để phân phối kiếm lời.
Cứ vị tư sản dân tộc nào cũng có tinh thần tự cường như ông, nước nhà lấy lại độc lập mấy hồi?. Cái tinh thần khuếch trương hàng Việt của Nguyễn Sơn Hà, nay ta học theo còn dài dài lắm.
Sau này, mừng sinh nhật ông, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Luân có bài thơ Đường luật viết tặng, trong đó có câu:
Tay trắng làm nên từ thuở trẻ,
Lòng son giữ vững đến khi già.
Tự do, độc lập, coi vô giá,
Của cải, gia tài chẳng thiết tha.
Coi độc lập, tự do của dân tộc cao hơn tất cả mọi thứ lợi ích vật chất tầm thường khác, sẵn sàng hiến tài sản to lớn dày công tạo lập, Nguyễn Sơn Hà cùng gia quyến lại thêm bước dấn thân vì nước khác.
Không chỉ làm kinh tế, cạnh tranh sòng phẳng với người Pháp để tỏ rõ dân Nam giỏi giang chẳng kém người da trắng, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sớm đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước, ông cũng đem hết sức vóc mà tham gia cho đến khi đạt được kết quả.
Riêng ông bà có 8 người con, nhiều người tham gia cách mạng; trong đó, con cả Nguyễn Sơn Lâm là liệt sĩ chống Pháp tại Hải Phòng, còn con út Nguyễn Sơn Ngọc là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Riêng bà Mùi sau Cách mạng tháng 8 được cử làm ủy viên thuộc UBND cách mạng lâm thời đầu tiên tại thành phố Hải Phòng.
Còn nhớ nơi đất Hải Phòng, khi Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội, ông là một trong những người đầu tiên lập chi hội dạy chữ quốc ngữ ở đất cảng này theo đề nghị của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố. Nhờ đó “sau vài năm, phong trào diệt dốt đã trở nên mạnh mẽ, sôi nổi, chẳng những ở khắp trong tỉnh, mà còn lan ra các miền chung quanh”.
Lại để bảo vệ cho đồng bào thấp cổ bé học trước sự hống hách của thực dân cũng như hệ thống luật pháp bảo vệ người của “mẫu quốc”, ông tham gia vào Hội đồng thành phố để tranh đấu cho đồng bào mình.
Theo chính lời ông kể, không chỉ dùng sức mạnh tự thân, Nguyễn Sơn Hà còn tranh thủ bè bạn có cảm tình, kể cả người Pháp để “dùng mọi lý lẽ xác đáng đấu tranh, không những ở Hội đồng thành phố, mà cả với tên Thống sứ, tiến tới phải bỏ cái thuế hình, thuế nước, những thứ thuế cực kỳ vô nhân đạo, đánh vào tất cả mọi người có công việc qua lại thành phố”.
Một sự kiện rất quan trọng cho tư tưởng cứu nước của Nguyễn Sơn Hà, ấy là chuyến vào thăm cố đô Huế, được tiếp xúc với các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng năm 1939. Cũng chính năm 1939, tại Đông Triều, Nguyễn Sơn Hà và Nguyễn Bình (lưỡng quốc tướng quân) gặp nhau. Bấy giờ, Nguyễn Bình đang lập Đệ tứ chiến khu chống Pháp, ông không ngần ngại ủng hộ một số tiền lớn cho việc mua sắm vũ khí.
Trước Cách mạng tháng 8/1945, nạn đói do phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào từ Thanh Hóa trở ra Bắc chết đói. Đau xót trước sinh mệnh đồng bào, vợ chồng doanh nhân sơn dầu họ Nguyễn đứng ra tổ chức Ban cứu đói, vận động các nhà hảo tâm góp tiền ủng hộ đồng bào; đồng thời, vợ chồng ông còn mở trường Dục Anh làm nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Trong những ngày Cách mạng tháng 8/1945, nhờ có tiền hãng sơn Nguyễn Sơn Hà gửi ở ngân hàng được rút ra ủng hộ, góp phần tổ chức được đoàn tàu ra Côn Đảo đón cán bộ cách mạng bị giam giữ trước đó về đất liền, trong đó có Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh…
Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, lại cũng chính vợ chồng Nguyễn Sơn Hà ủng hộ cho chính quyền cách mạng 105 cây vàng, một số tiền lớn cùng nhiều đất đai. Cũng từ đây về sau, vị doanh nhân họ Nguyễn đi theo cách mạng.
Với uy tín to lớn không chỉ trong việc doanh thương mà cả với đồng bào Hải Phòng, nên sau khi cách mạng thành công, ông là một trong những ứng cử viên được bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hải Phòng.
Tham gia cơ quan lập pháp của đất nước, theo hồi ức “Nguyễn Sơn Hà, một nhà doanh nghiệp và nhân sĩ yêu nước”, thì Nguyễn Sơn Hà là một đại biểu “có ý kiến độc lập, luôn thẳng thắn trao đổi, đóng góp những vấn đề trọng đại mà Quốc hội phải quyết định”.
Có điều ít ai biết, mà như chính doanh nhân họ Nguyễn kể lại, ông từng được đề nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế sau Cách mạng tháng 8 nhưng khiêm nhường xin được từ chối bởi “tự xét thấy mình học ít, tài sơ, nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình”.
Khi Pháp đánh chiếm Hải Phòng, gia đình ông bỏ lại tất cả tài sản ở Hải Phòng, chuyển sang chiến khu Đông Triều, rồi lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ông tích cực tham gia các hoạt động như Bình dân học vụ, lập trại tản cư…
Không quên nghề cũ đã làm nên tên tuổi Nguyễn Sơn Hà dậy vang ngành sơn dầu, ông lại cùng với anh em công nhân tìm kiếm nguyên liệu, mở xưởng sản xuất mực in li-tô, giấy than, áo mưa ba tác dụng cho quân dân. Bởi vậy mới có bài thơ người bạn tặng ông, có câu rằng:
Áo mưa làm rất tài tình,
Dầu ăn, lau súng cũng mình chế ra.
Thi đua bảo vệ sơn hà,
Toàn gia nỗ lực xây nhà tương lai.
Đâu chỉ có thế, ông còn sáng kiến chế được cả lương khô, thuốc ho cho anh em bộ đội. Chính bởi sự cống hiến không mệt mỏi ấy, Hồ Chủ tịch từng hai lần viết thư động viên, khen ngợi ông. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp về sau, Nguyễn Sơn Hà tiếp tục là đại biểu Quốc hội, ủy viên Mặt trận Liên Việt.
Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, ông đã soạn nên cuốn sách “Công nghệ thực hành” dạy một số nghề thông thường, hướng dẫn làm giấm, xì dầu, mực in… được in và phát hành rộng rãi nơi Việt Bắc.
Sau năm 1954, ông về Hà Nội với cương vị Thường trực Quốc hội, Thường trực Mặt trận dân tộc thống nhất… Ngoài ra, Nguyễn Sơn Hà lại quay về với lợi thế bấy lâu, hùn vốn lập nhà máy đường kính. Sau ông được giao phụ trách ngành sơn dầu Hà Nội.
Từ những kiến thức đã tích lũy, tài liệu về sơn dầu được ông viết nên cho lớp trẻ mà không lấy bất cứ đồng tiền thù lao nào… Trong đời mình, ông cũng từng được tín nhiệm tham gia phái đoàn đi dự Hội nghị kinh tế quốc tế tại Moscow năm 1952, tham gia học tập, dự Ngày Quốc tế Lao động tại Trung Hoa…
Ngẫm lại, nghiệp doanh thương, nghiệp cứu nước của Nguyễn Sơn Hà, thật xứng với đôi câu đối cụ Phan Bội Châu viết tặng ông:
Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất,
Công khoa tồn Việt chủng, chuyên di dời thế thủ vi cơ…
Nguồn: baophapluat.vn
Ảnh khác
Bình luận