Nhớ về doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, năm 1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Anh là một người hăng hái, trung thực, là một tấm gương sáng để lại cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ…”.
Trong “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 – 24/9/1945 khi Chính phủ phát động nhân cả nước hiến vàng gây dựng ngân quỹ quốc gia, gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đã đóng góp 105 lạng vàng. Đây là gia đình doanh nhân có đóng góp đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau gia đình doanh nhân Vương Thị Lai – hiệu Lợi Quyền ở Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Nguyễn Sơn Hà ảnh chân dung có chữ ký của Người để ghi nhận đóng góp tích cực của doanh nhân. Mặt trận Việt Minh tặng giấy khen cho gia đình ông. Và với uy tín trong dân chúng, ông Nguyễn Sơn Hà đã được nhân dân Hải Phòng lựa chọn bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/1/1946).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã mời ông Nguyễn Sơn Hà từ Hải Phòng lên Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp chia sẻ, lúc này, Chính phủ cần người tài đức ra giúp việc nước và đề nghị ông Nguyễn Sơn Hà làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Nhiều nhân sĩ, trí thức khác của Hải Phòng và Kiến An đã nhận lời tham gia chính quyền mới như: Luật sư Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, kỹ sư Nguyễn Xiển làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo làm Giám đốc Nha Tiểu học (Bộ Giáo dục)…
Sau vài đêm suy nghĩ, ông Nguyễn Sơn Hà đã khước từ ghế Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Ông kể lại trong hồi ký: “Tôi tự thấy mình học ít tài sơ nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình, sợ sau này ảnh hưởng đến những vấn đề quốc kế dân sinh của Nhà nước”. Ông đã giới thiệu luật sư Nguyễn Mạnh Hà, một người có danh vọng với nhân dân Hải Phòng làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế.
Trở thành đại biểu của cơ quan lập pháp tối cao cùng hai đại biểu khác của nhân dân Hải Phòng là Đại tá Trương Trung Phụng và nhà thơ Nguyễn Đình Thi, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tự thấy mỗi ý kiến của mình đều phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I (11/1946), khi thấy trong dự thảo Hiến pháp không có điều khoản cho người Việt Nam được tự do kinh doanh, đại biểu Nguyễn Sơn Hà đã bỏ phiếu chống.
Ông nghĩ rằng, trong Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Chính phủ còn có điều khoản ghi nhận cho người Pháp được tự do kinh doanh trên toàn cõi Việt Nam; mà người Pháp đã sẵn có khả năng về vốn liếng, về kỹ thuật, về thiết bị, nếu người Việt Nam không được tự do kinh doanh thì cạnh tranh sao nổi với người Pháp. Nghe xong nỗi niềm băn khoăn của đại biểu Nguyễn Sơn Hà, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Tuy trong Hiến pháp không ghi những điều khoản ấy, nhưng người Việt Nam mình chẳng những sẽ được tự do kinh doanh mà còn được Chính phủ khuyến khích bảo hộ cho là khác nữa, ông không phải lo!”.
Ngoài đóng góp tiền của để mua sắm, trang bị, sửa chữa vũ khí cho tự vệ Hải Phòng chiến đấu, gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà còn hiến dâng cho Tổ quốc người con trai cả Nguyễn Sơn Lâm hy sinh trong những ngày Toàn quốc kháng chiến bảo vệ Hải Phòng.
Được nhân dân thành phố cảng tín nhiệm, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tiếp tục làm đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V (1960 – 1975). Một doanh nhân có 30 năm liên tục làm đại biểu Quốc hội là điều hiếm thấy! Ghi nhận những đóng góp của ông, ngày 13/10/2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã truy tặng nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”.
Ngôi nhà 49 Lạch Tray (Hải Phòng) nơi gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sinh sống được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa (2010). Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đô thị trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng đều có con đường mang tên doanh nhân yêu nước Nguyễn Sơn Hà.
Nguồn: https://news.quochoitv.vn/
Ảnh khác
Bình luận