TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG VIỆT NAM
TCXDVN 285:2002
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI – CÁC QUY ĐỊNH CHỦ YẾU VỀ THIẾT KẾ
Hydraulic works – The basic stipulation for design
1. PHẠM VI ÁP DỤNG
1.1. Tiêu chuẩn này bao gồm các quy định chủ yếu về thiết kế cần phải áp dụng khi lập, thẩm định, xét duyệt các Dự án thủy lợi, bao gồm: Dự án quy hoạch, Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo đầu tư), Thiết kế xây dựng công trình (Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế bản vẽ thi công hoặc Thiết kế kỹ thuật – thi công). Tiêu chuẩn này thay thế TCVN 5060-90 – Công trình thuỷ lợi – Các quy định chủ yếu về thiết kế.
1.2. Thiết kế đê, bờ bao, công trình giao thông thuỷ, công trình biển không thuộc phạm vi điều chỉnh của tiêu chuẩn này.
1.3. Tiêu chuẩn này áp dụng cho mọi Dự án thủy lợi thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thuộc mọi loại hình: xây dựng mới, sửa chữa, phục hồi, nâng cấp hoặc mở rộng; không phân biệt nguồn vốn. Chỉ được phép áp dụng những tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn này khi có sự chấp thuận của Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
1.4. Khi nghiên cứu, thiết kế các công trình thủy lợi ngoài việc tuân thủ những quy định chủ yếu nêu trong tiêu chuẩn này còn phải tuân thủ các quy định trong các Luật, các văn bản dưới Luật, các tiêu chuẩn TCVN, TCXD, TCXDVN, TCN, các điều ước quốc tế và các thỏa thuận mà nhà nước Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết có liên quan đến đối tượng thủy lợi đang xem xét.
2. THUẬT NGỮ, PHÂN LOẠI VÀ PHÂN CẤP THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
2.1. Giải thích một số thuật ngữ.
– Tất cả các công việc “nghiên cứu, thiết kế” nêu trong Điều 1.1 được viết gọn là “thiết kế”.
– Tất cả các đối tượng nghiên cứu, thiết kế thủy lợi nêu trong Điều 1.1 được gọi chung là “Dự án thủy lợi”.
– Những hạng mục xây dựng cụ thể trong Dự án thủy lợi như đập, cống, nhà máy thủy điện, kênh dẫn nước v.v… được gọi chung là “Công trình thủy”.
– Cụm từ “Công trình thủy lợi” trong tiêu chuẩn này là tập hợp tất cả các hạng mục công trình thủy có trong Dự án thuỷ lợi.
– Cụm đầu mối công trình thuỷ lợi là một tổ hợp các hạng mục công trình thuỷ tập trung ở vị trí khởi đầu của hệ thống dẫn, thoát nước; làm chức năng cấp hoặc thoát nước, điều tiết, khống chế, phân phối nước.
– Hệ thống dẫn, thoát nước là tổ hợp mạng lưới đường dẫn và công trình liên quan có mặt trong dự án.
– Theo thời gian sử dụng, công trình thủy trong các Dự án thủy lợi được chia thành công trình lâu dài vàcông trình tạm thời:
+ Công trình lâu dài là công trình được sử dụng thường xuyên hoặc định kỳ trong suốt quá trình khai thác.
+ Công trình tạm thời là công trình chỉ sử dụng trong thời kỳ xây dựng hoặc chỉ dùng để sửa chữa công trình lâu dài trong thời kỳ khai thác (đê quây, công trình dẫn, xả lưu lượng thi công, cầu tạm v.v…).
2.2. Tùy thuộc vào chức năng, công trình lâu dài được chia thành công trình chủ yếu và công trình thứ yếu:
a. Công trình chủ yếu là công trình mà sự hư hỏng của chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự làm việc bình thường của công trình đầu mối và hệ thống, làm cho chúng không đảm nhận được nhiệm vụ như thiết kế đặt ra.
b. Công trình thứ yếu là công trình mà sự hư hỏng của chúng không ảnh hưởng đến sự làm việc bình thường của công trình đầu mối và hệ thống, có thể phục hồi được trong một thời gian ngắn.
Danh mục công trình chủ yếu và công trình thứ yếu qui định ở Phụ lục A.
2.3. Công trình thủy lợi được phân thành 5 cấp thiết kế tuỳ thuộc vào quy mô, địa điểm xây dựng công trình, mức độ ảnh hưởng tích cực của chúng đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng v.v… cũng như tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường, tổn thất về người và tài sản do sự cố rủi ro có thể gây ra. Sự khác nhau của mỗi cấp thiết kế được thể hiện bằng hệ số an toàn chung của công trình và các qui định về khảo sát thiết kế. Công trình cấp I có hệ số an toàn chung lớn nhất và giảm dần ở những cấp thấp hơn.
2.4. Cấp thiết kế của công trình đầu mối, bao gồm cả công trình đầu mối trong khai thác bậc thang là cấp cao nhất được lựa chọn từ cấp xác định theo năng lực phục vụ của chính đầu mối đó hoặc từ cấp xác định theo đặc tính kỹ thuật của các hạng mục công trình thủy có mặt trong công trình đầu mối:
a. Cấp theo năng lực phục vụ được xác định theo bảng 2.1.
b. Cấp theo đặc tính kỹ thuật của các hạng mục công trình thủy trong cụm đầu mối được xác định theo bảng 2.2.
2.5. Cấp thiết kế của hệ thống dẫn nước và công trình trên hệ thống dẫn nước cũng là cấp cao nhất được lựa chọn từ cấp xác định theo năng lực phục vụ của chính đoạn dẫn nước đó hoặc từ cấp xác định theo đặc tính kỹ thuật của các hạng mục công trình thủy có mặt trong đoạn dẫn nước.
2.6. Cấp thiết kế của công trình đầu mối thường được xem là cấp thiết kế của công trình thủy lợi. Cấp thiết kế của hệ thống dẫn nước và công trình liên quan thường bằng hoặc nhỏ hơn cấp thiết kế của công trình đầu mối và giảm dần theo sự thu hẹp phạm vi phục vụ. Về nguyên tắc, cấp thiết kế của kênh dẫn nước cấp dưới phải lấy nhỏ hơn cấp thiết kế của kênh dẫn nước cấp trên.
Thuộc tính TCVN TCXDVN285:2002 | |
---|---|
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Số / ký hiệu | TCXDVN285:2002 |
Cơ quan ban hành | Không xác định |
Người ký | Không xác định |
Ngày ban hành | |
Ngày hiệu lực | |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng hiệu lực | Không xác định |
Tải xuống | Để tải vui lòng truy cập website tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại: https://tcvn.gov.vn |
Mọi chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN XÂY DỰNG SƠN HÀ (SHAC)
Trụ sở chính: Số 55, đường 22, KĐT Waterfront City, Lê Chân, Hải Phòng
Văn phòng đại diện
Ảnh khác