Là toàn bộ hệ thống các giá trị vật chất và trị tinh thần do con người sáng tạo ra, văn hóa không chỉ là mục tiêu hướng tới mà còn là động lực cho sự phát triển. Nói đến văn hóa doanh nhân là nói đến văn hóa của chủ thể tham gia vào tổ chức, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của người làm nghề kinh doanh.
Văn hóa doanh nhân chủ yếu thể hiện ở trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, sự nhạy bén với thị trường, ở đạo đức nghề nghiệp và phẩm hạnh làm người, ở ý thức công dân và sự giác ngộ về chính trị, xã hội của những người lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là những con người ưu tú trong lĩnh vực kinh tế biết làm giàu cho bản thân và cho cộng đồng một cách hợp pháp. Nói đến văn hóa doanh nhân là phải nói đến nhân cách của đặc thù người với phẩm chất, năng lực, lý tưởng, đạo đức, ý chí làm giàu… “Văn hóa doanh nhân là tập hợp của những giá trị căn bản nhất, những khuôn mẫu văn hóa xác lập nên nhân cách của con người doanh nhân, đó là con người của khát vọng làm giàu, biết cách làm giàu và dấn thân để làm giàu, dám chịu trách nhiệm, dám chịu rủi ro đem toàn bộ tâm hồn, nghị lực và sự nghiệp của mình ra để làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp và cho xã hội”(1).
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, văn hóa doanh nhân chính là đạo làm giàu bởi vì mục đích cuối cùng của hoạt động kinh doanh cũng vì lợi nhuận, là làm giàu cho bản thân, xã hội. Có khát vọng làm giàu, biết dấn thân để làm giàu, dám chịu thua thiệt để làm giàu và biết cách làm giàu chính là những yếu tố cơ bản làm nên nhân cách doanh nhân. Đạo làm giàu thể hiện mục đích và phương cách làm giàu, nghĩa là quan trọng làm giàu như thế nào, làm giàu không chỉ cho bản thân mà còn cho doanh nghiệp, cho xã hội, gắn mục đích làm giàu của cá nhân với những ý nghĩa cao cả hơn đó là quốc gia, dân tộc.
Có thể nói, cho đến tận đầu TK XX, dân tộc ta chưa từng xuất hiện lớp doanh nhân đúng nghĩa. Nền kinh tế tự cung, tự cấp lạc hậu của nước ta với tư tưởng thủ cựu trọng nông, ức thương và quan niệm “vạn ban giai hạ phẩm/ duy hữu độc thư cao” của nhà Nho đã tồn tại hàng trăm năm, trở thành rào cản phát triển kinh tế. Quan niệm dân gian cũng coi thường nghề kinh doanh buôn bán.
Sự xuất hiện của thực dân Pháp với những yếu tố văn minh vật chất (đặc biệt là sau cuộc khai thác thuộc địa) và sự truyền bá tư tưởng duy tân qua con đường tân thư, tân văn đã làm thay đổi nhận thức xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Một mặt, thực dân Pháp dùng chính sách tô thuế hà khắc, mặt khác chúng độc chiếm thị trường, độc quyền ngoại thương. Ngoài các công ty mại bản Pháp, tư sản mại bản Hoa kiều cũng giữ một vai trò khá quan trọng. Những thương nhân người Hoa với truyền thống thương mại lâu đời ngày một chiếm lĩnh thị trường, thâu tóm hầu như toàn bộ ngành thương mại.
Đứng trước nhu cầu cấp bách phải giành lại thị trường trong tay người Pháp và người Hoa, chấn hưng nền kinh tế tạo tiền đề đấu tranh giành lập tộc, các nhà nho Duy Tân mạnh dạn kêu gọi mọi người kinh doanh làm giàu. Với tinh thần đó, họ đã vượt qua suy nghĩ ăn sâu trong ý thức hệ hàng trăm năm và coi sự giàu có ấm no của dân là mức cao nhất của điều nghĩa. Không chỉ trên lý thuyết, họ đã mang những kiến thức về kinh tế vào hoạt động thực tiễn. Các nhà Duy Tân đã đứng ra kinh doanh buôn bán, lo tổ chức thành lập nông hội, yêu cầu giảng dạy về sản xuất nông nghiệp, cũng như tiến hành bắt tay ngay vào thành lập đồn điền khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt cây lương thực, áp dụng khoa học kỹ thuật phương Tây vào tăng năng suất lao động, kêu gọi nhân dân làm giàu. Phong trào khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh nhằm làm cho dân quốc phú cường nở rộ từ Bắc vào Nam được coi là cuộc cách mạng về sự đổi mới tư duy của các nhà nho.
Từ năm 1907-1908 trở đi, một loạt công ty buôn bán ở Hà Nội do các thành viên sáng lập Phong trào hoặc những người chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân hùn vốn kinh doanh như: Đỗ Chân Thiết, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền, Nghiêm Xuân Quảng… Trong số các nhà Duy Tân, Lương Văn Can nổi tiếng với vai trò thục trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục đồng thời được coi là “người chỉ đường cho giới nhà buôn”. Gia đình ông là tấm gương sáng về đạo làm giàu, có uy tín lớn trong giới thương nhân ở Hà Nội. Với kinh nghiệm thực tiễn và nhiều năm nghiên cứu về nghề buôn, ông đã phát triển thành những quan điểm thương mại và khoa học thương mại trong những tác phẩm Kim cổ cách ngôn, Thương học phương châm mà các nhà nghiên cứu coi như những cuốn sách giáo khoa đầu tiên về đạo làm giàu và khoa học thương mại ở nước ta. Trong Thương học phương châm, ngay từ lời tựa ông viết: “Cổ nhân thường khinh sự buôn là mạt nghệ, bởi vì người xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi, thấy người buôn bán tham lợi vô yếm, ít có nói thực, sợ mất cái lòng đạo đức đi”. Một mặt, ông nêu lên vai trò của thương mại đối với phát triển đất nước “đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt”, mặt khác, ông đã chỉ ra 10 điều làm cho nền thương mại nước nhà không thể phát triển được, đó là: không có thương phẩm, không có thương hội, không có tín thực (chữ tín), không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm và khinh nội hóa.
Bên cạnh Thương học phương châm, tác phẩm Kim cổ cách ngôn của ông lại đi sâu đến vấn đề đạo đức trong kinh doanh, vấn đề thương đức, thương tài mà ngày nay chúng ta gọi là văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Trong tác phẩm này, ông nêu: đức lớn và cũng là bí quyết của người kinh doanh là sự trung thực. Theo ông, người ta giàu nghèo là ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người chứ không phải chỉ chăm chắm lợi mình hại người, có như vậy mới tạo dựng được sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, ấy là văn hóa kinh doanh.
Nếu ở miền Bắc, các nhà Duy Tân kinh doanh là những nhà nho và Tây học vì ủng hộ phong trào mà mở mang kinh doanh, khai khoáng mỏ… thì ở miền Trung và miền Nam họ thực sự là những nhà tư sản kinh doanh thành công. Tiêu biểu có Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi,… với công ty Liên Thành Phan Thiết (miền Trung) hay Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn An Khương (miền Nam). Với tinh thần tự tôn dân tộc, họ đã chính thức bước vào thương trường để khẳng định bản lĩnh kinh doanh của người An Nam với người Hoa, Ấn Độ. Họ cũng là những người yêu nước sẵn sàng ủng hộ cách mạng, cung cấp tài chính cho phong trào Đông Du, Duy Tân. Cơ sở kinh doanh của họ là nơi đi về của các nhà yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Cường Để…
Có thể nói từ các nhà Duy Tân đã thấp thoáng hình dáng của lớp doanh nhân tuy chưa rõ nét. Những đóng góp các nhà Duy Tân đã đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào chấn hưng kinh tế, chủ trương phát triển thương nghiệp nước nhà. Không chỉ nêu tấm gương mà những bài học về kỹ thuật kinh doanh, đạo đức kinh doanh, đặc biệt là tinh thần yêu nước, yêu dân tộc của họ đã ảnh hưởng sâu sắc đến lớp thương nhân đầu tiên của chúng ta, những doanh nhân có ý chí tự chủ quyết đấu với ngoại bang trên thương trường như ông Bạch Thái Bưởi, hay một số doanh nhân nổi tiếng một thời cống hiến cho cách mạng như ông bà Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Đình Khánh, Ngô Tử Hạ, Bùi Hưng Gia, Trương Văn Bền…
Cũng giống như các nhà Duy Tân, những doanh nhân này không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn vì lòng yêu nước. Họ biết gắn mục tiêu kinh doanh của mình với sự hưng vong của dân tộc. Họ là những người hiểu hơn ai hết sự chèn ép của tư bản nước ngoài vì vậy, họ luôn đề cao tinh thần và lòng tự hào dân tộc. Họ cũng kêu gọi đồng bào luôn đề cao tinh thần dân tộc và chống lại sự chèn ép của tư bản nước ngoài. Sự kiên cường của họ có khi phải trả giá bằng sự phá sản, hy sinh biết bao mồ hôi công sức vì không đủ lực trước sự tấn công và âm mưu thôn tính của tư bản thực dân.
Đầu tiên, trong lớp doanh nhân này phải kể đến ông vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi. Với tinh thần dân tộc vô cùng mạnh mẽ “phải làm sao để ngọn cờ của công ty người Việt Nam ta phất phới trên năm châu bốn biển, để cả thế giới biết đến người Việt Nam và đất nước Việt Nam”, Bạch Thái Bưởi đã từ một người tay trắng trở thành một doanh nhân Việt Nam kiệt xuất trong những năm đầu TK XX, được cả giới thương gia người Hoa và người Pháp kiêng nể, còn đồng bào của ông thì xưng tụng ông là “bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế nước nhà”, “một vĩ nhân ở đất Bắc, một bậc trượng phu trong thương trường”, “ông vua tàu thủy”…
Xuất thân từ một ký lục cho hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội, năm 1894, ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính, nơi lần đầu tiên ông được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất. Năm 1895, ông được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux (Pháp). Những gì được chứng kiến qua chuyến đi này đã nung nấu trong ông khát vọng vươn lên làm giàu. Vì vậy, khi trở về nước, ông xin thôi việc và bắt tay vào xây dựng cơ nghiệp của mình.
Ông là một người cực kỳ nhạy bén khi tìm hiểu nhu cầu thị trường. Sau nhiều lần kinh doanh thất bại, ông không nhụt chí. Khởi đầu với việc chung vốn cung cấp tà vẹt cho nhà thầu làm đường tàu hỏa, Bạch Thái Bưởi ra kinh doanh riêng: mở hiệu cầm đồ ở Nam Định, thầu thuế chợ ở Vinh, ở Nam Định, ở Thanh Hóa, mở Công ty in và xuất bản mang tên Bạch Thái Bưởi (sau là Đông Kinh ấn quán), xuất bản tờ Khai hóa nhật báo với tôn chỉ: “Một là giúp đồng bào ta tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau… mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm…”.
Năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào một lĩnh vực kinh doanh ngành vận tải đường sông. Từ đây mở ra một thế giới cạnh tranh quyết liệt giữa một nhà tư sản dân tộc với tư sản mại bản với sự chống lưng của chính quyền Pháp. Với một thứ vũ khí mà người Hoa không thể có, đó là tinh thần dân tộc, ông đã giành chiến thắng, liên tục khuyếch trương công việc kinh doanh. Đầu thập niên 30 TK XX, công ty của ông có trên 40 con tàu cùng sà lan chạy trên tất cả các tuyến đường sông Bắc Kỳ và cả các nước và vùng lãnh thổ lân cận, với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người.
Trong lịch sử kinh tế nước nhà, cái tên Bạch Thái Bưởi có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng, cổ vũ các thế hệ doanh nhân Việt Nam vươn lên khẳng định mình. Ông chính là người đã lấp đầy những hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa là 10 khiếm khuyết cơ bản của doanh nghiệp Việt Nam mà Lương Văn Can từng chỉ ra. Khi nhận định về ông, hội Khai trí tiến đức cho rằng: Ông là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của ông đáng phô bày cho quốc dân, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trong Hội truyền bá chữ quốc ngữ viết về Bạch Thái Bưởi trong tạp chí Đông Thanh là bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà.
Những doanh nhân may mắn được chứng kiến sự thành công của cách mạng tháng Tám đều hồ hởi ủng hộ chính quyền non trẻ và sẵn sàng tham gia vào công cuộc kiến thiết nước nhà, tiêu biểu như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Đình Khánh, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà…
Nguyễn Sơn Hà khởi đầu với việc làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp với lương tháng là 3 đồng bạc, sau đó ông chuyển sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Với quyết tâm phải làm giàu từ phát triển ngành sản xuất sơn, ngay từ khi chỉ là một người làm thuê, ông đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu từ kỹ thuật đến cách tổ chức, tiêu thụ sản phẩm ngành này.
Sau nhiều lần sản xuất thử bị thất bại, cuối cùng ông đã thành công. Năm 1920 sản phẩm sơn đầu tiên được đóng hộp và bán ra thị trường với nhãn hiệu Résistanco. Không chịu dừng lại ở đó, ông không ngừng cải tiến công nghệ và quyết tâm sản xuất ra loại sơn tốt nhất đem gửi ở hãng Descous et Cabaud. Là người có đầu óc nhạy bén năng động trong kinh doanh, ông đã cho quảng cáo rộng rãi khắp nơi, luôn giữ chữ tín, một điều tối quan trọng trong kinh doanh. Với từng bước đi vững chãi, ông đã phát triển hãng sơn ngày càng lớn mạnh. Lúc đầu thái độ của những nhà buôn nước ngoài là coi thường, không tin ông có thể làm ra được một sản phẩm sơn tốt. Tuy bị kìm hãm mọi bề, nhưng với sự quyết tâm và bằng chữ tín, ông đã chiến thắng các hãng sơn Pháp.
Bằng khả năng quản lý với chiến lược kinh doanh sắc bén, ông đã xây dựng được thương hiệu của công ty, lần lượt chiếm lĩnh thị trường Đông Dương. Sản phẩm sơn Durolac của ông đã từng đi dự hội chợ Paris, được giải và ký hợp đồng bán cho Pháp. Đây là một tiến bộ vượt bậc của ông cũng như công nghệ sản xuất ở nước ta vì trước kia Pháp chỉ coi Việt Nam là nơi khai thác tài nguyên chứ không sản xuất thành phẩm và càng không phải là nơi phát triển công nghệ tiên tiến.
Ông đã đứng vững bằng tài năng, trí tuệ người Việt và góp phần đặt những những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghệ Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Ông đã để lại tấm gương sáng về cái tâm, cái tài, ở chí khí quật cường của một doanh nhân trong cạnh tranh, không chịu để người nước ngoài nắm mọi ngành kinh tế. Ông là niềm tự hào của người Việt Nam từ tay trắng đã thành công trong nghề sản xuất sơn dầu bằng khát vọng làm giàu và trí tuệ tuyệt vời của người Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám đã mở ra một chân trời mới cho doanh nhân Việt Nam để phát triển trở thành một lực lượng dân tộc và tham gia vào công cuộc kiến quốc. Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945, tại Phủ Chủ tịch, Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Chính phủ. Tại cuộc họp lịch sử này, theo đề nghị của Người, Chính phủ đã quyết định làm ngay 6 công việc trung tâm trước mắt để ổn định tình hình. Trước nhu cầu cấp bách về tài chính, Chính phủ chủ trương thành lập Quỹ độc lập, bước đầu là tổ chức Tuần lễ vàng trong cả nước từ ngày 17-9-1945 và được sự hưởng ứng sôi nổi khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Chỉ trong 7 ngày từ 17 đến 24-9-1945, đồng bào cả nước – chủ yếu là các gia đình doanh nhân giàu có như Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà (đặc biệt là ông bà Trịnh Văn Bô mà Bác Hồ đã coi là ân nhân của cách mạng) đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu tiền Đông Dương vào Quỹ Độc lập. Thành quả của Tuần lễ vàng có thể coi là một kỳ tích của cách mạng Việt Nam khi vừa giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Sự kiện Tuần lễ vàng có ý nghĩa cả về kinh tế và chính trị, thể hiện rõ nét tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng của nhân dân, đặc biệt là giới doanh nhân với sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đây là thời cơ mà các doanh nhân tâm, tài, trí, dũng đã ấp ủ mong ước được cống hiến cho tổ quốc, cho dân tộc từ lâu. Giờ đây họ có thể đàng hoàng kinh doanh làm giàu cho bản thân và dân tộc với tâm thế của người làm chủ đất nước.
Sự ủng hộ của các doanh nhân trong cách mạng tháng Tám, đặc biệt là sự kiện Tuần lễ vàng, thể hiện mối quan hê máu thịt giữa giới công thương và cách mạng, phản ánh rõ nét nhất bản chất yêu nước và lòng tự hào dân tộc của doanh nhân Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của chính sách đúng đắn trong tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc, tạo động lực xây dựng và phát triển đất nước của Chính phủ Việt Nam và người đứng đầu là Hồ Chí Minh. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa coi mọi thành phần sĩ, nông, công, thương, binh đều là nguồn lực của cách mạng. Ngày 18-9-1945, ba mươi nhà công thương Hà Nội có một cuộc gặp với người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ. Trong buổi gặp mặt đó, Người đánh giá cao vai trò của giới công thương trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau gần 80 năm thực dân Pháp đô hộ. Người phân tích mối quan hệ giữa dân giàu, nước mạnh và vai trò của các doanh nhân yêu nước với sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn này.
Ngày 13-10-1945, trong bức thư Gửi giới công thương Việt Nam, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi tận tâm giúp đỡ công thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới công thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.
Vì vậy, sau khi giành chính quyền, các nhà kinh doanh không những không bị cản trở mà còn được tạo điều kiện phát triển công việc kinh doanh và được đón tiếp với sự trọng thị. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”(2). Sự sáng suốt của chính phủ và Hồ Chí Minh đã được các doanh nhân đáp lại bằng tinh thần vì đại nghĩa, vì tổ quốc thân yêu.
Có thể nói, lớp doanh nhân yêu nước từ đầu TK XX đến năm 1945 đã thể hiện ý nghĩa đích thực của đạo làm giàu với tâm, tài, trí, dũng của văn hóa doanh nhân Việt Nam. Chính cái đạo làm giàu đã tạo nên sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các thế hệ doanh nhân nửa đầu TK XX, tạo nên một thế hệ doanh nhân lấy mục tiêu làm giàu gắn với công cuộc cứu nước để đến khi gặp được ngọn lửa cách mạng tháng Tám thì bùng cháy khát vọng cống hiến. Những tấm gương doanh nhân từ Lương Văn Can đến Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà trở thành những gương văn hóa doanh nhân được tôn vinh trong các thế hệ doanh nhân sau này.
Nguồn: vanhien.vn
Other Images
Comments