Nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà (1894-1980) quê gốc Sơn Tây, sinh ra ở Hà Nội nhưng thành đạt trên đất Cảng Hải Phòng với hãng sơn nổi tiếng Resistanco. Ông là một doanh nhân tài trí, tạo dựng nghề sản xuất sơn dầu ở nước ta, một người vô cùng thương yêu đồng bào, sống hết lòng vì đất nước.
Vào buổi chiều đầu thu khi cả nước tưng bừng hướng tới kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, chúng tôi tìm về căn nhà số 49, phố Lạch Tray nơi ông Nguyễn Sơn Hà cùng gia đình sống trong nhiều thời kỳ. Ngôi nhà được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử Văn hóa, lưu giữ nhiều kỷ vật của ông và gia đình.
Họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc, con gái ông Nguyễn Sơn Hà, khi nhớ về người cha quá cố của mình xúc động, tự hào chia sẻ: “Cha tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó, ông có một tấm lòng thương yêu người lao động sâu sắc. Ông hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện và luôn sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khổ. Thấy phong trào Truyền bá Quốc ngữ được thành lập ở Hà Nội và mở rộng ra các tỉnh thành khác, ông rất vui và đứng ra vận động mọi người thân quen làm nòng cốt để xây dựng phong trào Truyền bá Quốc ngữ ở Hải Phòng. Khi nạn đói khủng khiếp xảy ra năm 1945, cha mẹ tôi đứng ra thành lập Ban cứu đói, vận động các nhà hảo tâm ở địa phương góp tiền, gạo ủng hộ đồng bào bị đói. Ông bà dùng số thóc thu được ở 200 mẫu ruộng của mình ở Kinh Môn, Hải Dương, chuyển về Hải Phòng, xay giã để nấu cháo phát chẩn tại 7 điểm trong thành phố, góp phần cứu đói bà con”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính quyền cách mạng mới thành lập đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là về kinh tế, tài chính. Chính phủ tổ chức “Tuần lễ Vàng” từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945. Hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, đồng bào các giới ở Hải Phòng nhiệt liệt hưởng ứng “Tuần lễ Vàng” bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Trong 7 ngày, hàng vạn đồng bào ủng hộ hơn 1000 lạng vàng, bạc. Ông bà Nguyễn Sơn Hà ủng hộ hơn 100 lạng vàng, được tuyên dương là người góp nhiều nhất thành phố Cảng. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh và Mặt trận Việt Minh cấp giấy khen. “Ngày đó, tôi còn rất nhỏ mới được 1 tuổi, nhưng khi lớn lên đượ#c bố, mẹ kể lại không khí trong “Tuần lễ Vàng” quyên góp vàng ủng hộ chính quyền cách mạng thật vui vẻ sôi nổi. Cha tôi từng nói: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải, nếu mất nước tiền của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”. Cuộc đời ông lao động, sáng tạo không ngừng và cống hiến tâm sức cho đất nước, chúng tôi học được triết lý đó từ ông và giáo dục các thế hệ con cháu noi theo” – bà Trúc bồi hồi, xúc động nhớ lại.
Trong giấy chứng nhận đóng góp trong “Tuần lễ Vàng” của gia đình đồng chí Vũ Quốc Uy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân đầu tiên của thành phố xác nhận: “Ông Nguyễn Sơn Hà – bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi (vợ ông Nguyễn Sơn Hà) có nhiều hoạt động ủng hộ và tham gia cách mạng trong 2 năm 1945 -1946, góp vào quỹ “Tuần lễ Vàng” 105 lạng vàng; ủng hộ vào quỹ Ủy ban chuẩn bị tổng khởi nghĩa (Tháng 8-1945), 2 vạn đồng; đóng góp vào việc tiếp khách tới thành phố đón Hồ Chủ tịch đi dự hội nghị Phongten Nơblô về và đón kiều bào Pháp về nước số tiền và hiện vật trị giá 2,5 vạn đồng Đông Dương”. Theo gương nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà, nhiều người cũng góp tiền của ủng hộ chính quyền cách mạng trong những năm tháng hào hùng ấy của dân tộc.
Họa sĩ Sơn Trúc cho biết thêm: “Trước đó, chuẩn bị tổng khởi nghĩa cha tôi ủng hộ Việt Minh bằng tiền mặt là 4,5 vạn đồng Đông Dương tương đương với khoảng 2000 lạng vàng. Đặc biệt cha tôi hiến tiền thuê đoàn tàu chở gần 2000 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày từ Côn Đảo trở về đất liền, trong số đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh… Không chỉ cha tôi ủng hộ tiền hiến tặng cách mạng mà con trai ông là Nguyễn Sơn Lâm, anh trai cả của tôi cũng lấy tiền của nhà mua vũ khí trang bị cho Đại đội tự vệ khu Bảy. Ngày 23-11-1946, anh Nguyễn Sơn Lâm đã anh dũng hy sinh khi tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Cảng thân yêu”.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Nguyễn Sơn Hà cùng gia đình đều tham gia kháng chiến, rồi lên chiến khu Việt Bắc. Vào tháng 10-1948 và tháng 3-1949, hai lần Bác Hồ gửi thư khen Nguyễn Sơn Hà, động viên ông tiếp tục có thêm sáng kiến đóng góp cho kháng chiến.
Nguồn: baohaiphong.com.vn
Ảnh khác
Bình luận